Tạp chí Đẹp: Phỏng vấn Chuyên gia Khai vấn Đặng Lê Trâm (Giám đốc chiến lược và nhân sự tại LCV | PCC ICF LCV Coach Angels)

Ý nghĩa của công việc Khai vấn đối với cá nhân chị là gì?

Tôi rất mê di du lịch, lang thang qua các thành phố mới, gặp gỡ mọi người, lắng nghe những câu chuyện trong cuộc sống đời thường của họ. Những câu chuyện buồn và việc con người ta vượt qua giai đoạn khó khăn luôn đẹp theo cách rất riêng. Khoảnh khắc đi vào từng câu chuyện, tôi nhận ra, mình không là ai cả, như một người tàng hình chứng kiến những lát cắt trong cuộc đời người khác. Khi làm công việc Khai vấn, tôi gặp lại đúng cảm giác đó. Màu sắc cá nhân, kinh nghiệm, quan điểm, cái tôi của tôi biến mất, chỉ còn lại tiểu vũ trụ của người ngồi dối diện mà tôi được phép bước vào và khám phá.

Có vẻ như Khai vấn không phải là con đường một chiều, chỉ có chị trao đi sự giúp đỡ mà ngược lại, chị cũng nhận được rất nhiều, phải không?

Phần lớn con người không hiểu rõ bản thân mình lắm dâu. Trong lúc giúp cho người khác thấu suốt về bản thân họ thì tôi cũng tự thấu suốt hơn về chính mình và qua đó, thấy mình trưởng thành về mặt nội tâm. Tôi định nghĩa trưởng thành là khi góc nhìn của mình về cuộc đời rộng mở hơn, sức dung chứa của mình lớn hơn, cho phép mình đón nhận được nhiều hơn những hỉ – nộ – ái – ố từ thế giới bên ngoài.

Ngoài việc trưởng thành hơn về mặt nội tâm, còn những thay đổi nào khác bên trong chị?

Cách đây nhiều năm, những tiêu chuẩn xã hội đã vô tình đưa đẩy tôi trở thành một ai đó và có những lúc tôi trở nên xù xì, gai góc. Ngay lúc này, tôi thấy mình rất khác. Trước kia, khi được phỏng vấn, tiếng nói của tôi thường được phát ra từ bộ não chứ không phải từ trái tim. Bây giờ, tôi nói chuyện từ tốn hơn, cảm thấy mình được kết nối với chính mình và không ngại lời nói của mình bị đánh giá. Thay đổi lớn nhất ở đây chính là càng ngày tôi càng là chính mình. Tôi luôn quan niệm sống trên đời, không quan trọng mình làm được cái gì, mà quan trọng nhất là mình trở thành con người như thế nào, khi đó những thành tựu sẽ đến một cách tự nhiên, mình không cần cố gắng theo đuổi.

Liệu có sự khác nhau nào giữa các đối tượng tìm đến Khai vấn khi xét về khía cạnh giới tính và địa vị xã hội?

Đối với nam giới, họ thường cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt cảm xúc thành lời và thường vội vàng đi đến bước tìm giải pháp. Đối với những người có địa vị cao trong xã hội, nỗi sợ lớn nhất của họ là trở nên mong manh và phải thừa nhận bản thân cũng có thể là nguyên nhân cho một sự việc nào đó diễn ra không như ý. Họ tự dựng lên một lớp vỏ cứng rắn để bảo vệ chính mình. Nhưng khi xuyên qua được lớp vỏ ấy, tôi cảm thấy về bản chất, con người chúng ta không khác nhau là mấy. Dù là giám đốc, nhân viên hay bà nội trợ thì chúng ta cũng chỉ sinh ra và chết đi với từng ấy thứ. Do đó, khi mình nhìn họ là một con người thì sẽ không thấy họ khác nhau.

Là một nữ lãnh đạo và có nhiều kinh nghiệm trong mảng Khai vấn cho nhóm lãnh đạo, tỷ lệ thành công của chị trong các trường hợp này có cao không?

Theo kinh nghiệm của tôi, tỷ lệ thành công khi Khai vấn cho nhóm lãnh đạo cao nhưng không phải là 100%. Mọi người thường nói, mỗi lần trả lời những câu hỏi tôi đặt ra, cảm giác như bị lột trần. Hành trình Khai vấn sẽ đưa mỗi người đi sâu vào thế giới bên trong. Nhiều người không chịu được sự thật là để hiện tại tốt hơn, chắc chắn họ phải thay đổi rất nhiều thứ, ví dụ như hình ảnh họ xây dựng bao nhiêu lâu hay những mối quan hệ, thậm chí, có thể họ phải bắt đầu lại từ đầu. Người càng có nhiều thứ trong tay càng mang nhiều nỗi sợ đánh mất những gì mình sở hữu. Nói như vậy có nghĩa là sự chủ động của người tìm đến Khai vấn là vô cùng quan trọng.

Những trường hợp Khai vấn thành công thường mất thời gian bao lâu?

Một lộ trình Khai vấn cần tối thiểu 3 tháng, nhưng thông thường, tôi sẽ đồng hành với mọi người trong 6 tháng. Như thế mới đủ thời gian để bản thân họ có nhận thức mới về vấn đề đang gặp phải, ví dụ như việc nào đang làm tốt và việc nào làm chưa tốt, liệu rằng có sự không nhất quán giữa việc họ làm với mong muốn thực sự của họ hay không. Sau đó, chính bản thân họ sẽ là người đưa ra những kết hoạch hành động mới và thực hiện từng bước nhỏ. Khi chủ động thực hiện từng bước nhỏ, họ mới thực sự cảm nhận được giá trị của sự chấp nhận thay đổi. Não bộ của chúng ta được lập trình làm mọi thứ theo thói quen, do đó, nếu không “tái lập trình”, phá bỏ những kết nối nơ-ron thần kinh cũ thì không thể tạo ra kết quả khác.

Theo chị, điểm mấu chốt trong hầu hết những vấn đề con người gặp phải trong cuộc sống là gì?

“Hệ điều hành” của mỗi người khác nhau nhưng điểm chung là hoạt động một cách vô thức và được hình thành từ những nguyên tắc sống, từ những giá trị niềm tin mà mỗi người tự thiết lập cho mình dựa trên nền tảng gia đình, xã hội, sau đó không ngừng phát triển khi chúng ta tương tác trong môi trường, mối quan hệ mới. Nói một cách dễ hiểu, hệ điều hành ấy là thế giới quan, là cách chúng ta kỳ vọng về mọi thứ xung quanh. Khi ngồi trong căn phòng này, một người cảm thấy kéo rèm lên cho ánh nắng tràn vào mới đẹp nhưng người khác lại cảm thấy như thế thật chói mắt và cần buông rèm xuống. Chính những kỳ vọng khác nhau đó tạo ra mâu thuẫn hay những chuyện khổ tâm. Do đó, phương pháp khai vấn dựa trên trí thông minh cảm xúc (EQ) mà chúng tôi đang áp dụng có thể đi sâu vào những vấn đề gốc rễ. Những sự thay đổi không chỉ là thay đổi về hành vi mà còn là thay đổi thế giới quan.

Có lúc nào bản thân chị cảm thấy lạc lối và chọn Khai vấn như một công cụ hỗ trợ không?

Lạc lối thì không, nhưng mệt mỏi thì chắc chắn có. Khi đối diện với câu chuyện của người khác, tôi đồng thời dối diện với câu chuyện của chính tôi. Chẳng hạn, ai đó kể với tôi về chuyện làm mẹ đơn thân của họ, tôi cũng chạnh lòng nghĩ tới lựa chọn làm mẹ đơn thân của mình. Nếu như bản thân tôi chưa thể thấu suốt, kiểu gì cũng sẽ lơ đãng, không thể hoàn toàn tập trung vào câu chuyện của người đó. Vậy nên, ở trung tâm nơi tôi đang làm việc, mỗi một người Khai vấn đều có một người Khai vấn khác đồng hành xuyên suốt. Nhiều người làm công việc này dễ rơi vào cảm giác mình phải hoàn hảo mới có thể giúp đỡ người khác, nhưng sức dung chứa của mình lớn hơn giúp tôi nhận ra trên đời chẳng có gì là đúng hay sai, chẳng có gì hoàn hảo. Công việc Khai vấn không giống như hướng dẫn viên du lịch dẫn mọi người đi theo con đường đúng nhất, ngắn nhất để đến được nơi thưởng ngoạn phong cảnh đẹp. Trong lúc cùng nhau dò đường, đôi khi, phải biết chấp nhận những cú rẽ chệch hướng.

Hiện tại, có nhiều người trẻ chọn công việc Khai vấn. Theo chị, để làm công việc này, người Khai vấn có cần nhiều trải nghiệm hay nội tâm vững vàng không?

Để gắn bó với công việc này cần có hai điều kiện: thứ nhất là phải thực sự có hứng thú với con người, thứ hai là phải sẵn sàng cho việc đi sâu vào nội tâm của chính mình. Khai vẫn giống như việc chúng ta đi bộ – bước chân trái rồi tới chân phải, hai chân tiếp nối nhau. Khi bước một chân vào nội tâm của người khác, ta sẽ phải bước chân còn lại vào nội tâm của chính mình. Càng bước, ta càng đạt được sự trưởng thành về nội tâm. Có thể tôi không trải qua chuyện của bạn nhưng tôi có thể đồng cảm được, vậy là đủ rồi.

Trải nghiệm rất có ích nhưng không phải là tất cả. Do đó, không cần đợi đến lúc mình hoàn thiện mới có thể hỗ trợ người khác.

Không phải ai cũng ở giai đoạn sẵn sàng tìm sự giúp đỡ từ người Khai vấn. Lời khuyên của chị dành cho những người đang gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống là gì?

Tôi muốn khuyến khích mọi người tìm đọc kiến thức hoặc đăng ký khóa học về thực hành Thông minh cảm xúc (EQ) để giúp bản thân tự nhận diện rõ hơn hành vi, cảm xúc, thế giới quan, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp cho những vấn đề đang đối mặt. Những cấu phần quan trọng của Thông minh cảm xúc bao gồm: hiểu mình, thương mình, hiểu người, thương người. Và tôi nghĩ cần nhấn mạnh vào hai chữ “thực hành”. Học lý thuyết có thể giúp chúng ta nhận ra điều gì đó, nhưng chỉ có thực hành mới giúp thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện Khai vấn giống như việc chúng ta đi bộ – bước chân trái rồi tới chân phải, hai chân tiếp nối nhau. Khi bước một chân vào nội tâm của người khác, ta sẽ phải bước chân còn lại vào nội tâm của chính mình.


CHUYÊN GIA KHAI VẤN ĐẶNG LÊ TRÂM Hiện đang là trưởng bộ phận Nhân sự và Chiến lược tại LCV – trung tâm Khai vấn tiêu chuẩn của Liên đoàn Khai vấn quốc tế (ICF) thuần Việt đầu tiên tại Việt Nam.

Khai vấn (Coaching) là công cụ giúp phát triển bản thân và phát triển đội ngũ trong xã hội hiện đại, bổ trợ cho cố vấn (mentoring), tư vấn (consulting) và đào tạo (training). Người khai vấn (coach) sẽ đặt ra những câu hỏi và người tham gia Khai vấn (coachee) tự tìm câu trả lời.

Những câu hỏi mà người khai vấn đặt ra không mang tính dẫn dắt, nên khai vấn chính là quá trình đồng hành giúp con người đạt được tầm nhìn, ước mơ, mục tiêu, sứ mệnh trong cuộc sống, tạo động lực để thay đổi bằng lựa chọn của chính bản thân họ.

Trợ giúp