Inner truths – lắng nghe tiếng lòng con trẻ

Chỉ cần đi một vòng nhà sách, qua góc nuôi dạy trẻ em là có thể thấy được độ hot của các thể loại sách nuôi dạy con, rất nhiều tựa sách mà chỉ cần chạm vào mắt có thể bật lên ngay trong lòng những bà mẹ trẻ như tôi những câu hỏi tự vấn mình ngay lập tức.
– “Làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc” -> con mình có hạnh phúc không?
– “Làm thế nào để dạy con trách nhiệm, kỷ luật…” -> chết rồi, hình như con mình không kỷ luật lắm.
Cứ như thế, bao nhiêu cuốn sách được bán chỉ để trả lời cho các bà mẹ và ông bố một câu hỏi “thế nào là làm cha mẹ đúng”.

Làm cha mẹ ngày càng khó, khó với lượng thông tin đến ngồn ngộn hàng ngày, và cha mẹ lúc nào cũng cảm thấy điều mình chưa biết sao nhiều quá, làm thế nào áp dụng được những điều đó cho con mình, làm thế nào…
Tôi nhớ khi tôi gặp một chị bạn để hỏi về những cuốn sách chị từng đọc về nuôi dạy con cái, chị có một nhận xét mà tôi nghĩ khá sâu sắc “những cuốn sách luôn dùng một đứa trẻ cụ thể để nói về, trong khi con chị không giống bất kỳ một đứa trẻ nào hết.” Khi chưa bắt tay vào làm các nghiên cứu và thực hành về thông minh cảm xúc, tôi không tin lời chị nói lắm. Làm gì mà trong hàng trăm cuốn sách về nuôi dạy con, lại không có kinh nghiệm nào có thể vận dụng vào một đứa trẻ, trừ khi là mẹ không đủ kiến thức và kiên nhẫn để kiên trì vận dụng. Điều tôi đồng ý với chị là mỗi một đứa trẻ là duy nhất.
Nhưng khi tôi càng đào sâu hơn, tôi lại nhận ra rằng mỗi một bà mẹ cũng là duy nhất. Và sẽ không có lý thuyết nào có thể áp dụng cho những thứ thuộc về độc đáo và duy nhất. Cả mẹ và con.

Khi tôi đọc cuốn sách “The Gift of Mother-Hood” của Dr. Cherie Carter-Scott, tôi hơi hốt hoảng. Những bài tập nho nhỏ được giao trong đó quá khó với tôi. Những bài tập đó không nói tôi phải làm gì với con mình, mà luôn nhắc tôi về chuyện tôi cần làm và phải làm với cha mẹ mình.
“Chuyện đã qua lâu rồi mà!”, “Chắc cũng không ai còn nhớ chuyện này!” Đây là cách mà chúng ta thường chọn để đối diện với quá khứ, và nghĩ đó là cách giải quyết tốt nhất cho tất cả.

Trong mối quan hệ giữa mẹ và tôi, luôn có khoảng cách, như tất cả bạn bè mà tôi từng tâm sự, ai cũng có vấn đề gì đó với mẹ mà chưa được giải quyết hoặc cảm thấy không cần giải quyết. Và ai cũng ra đi khỏi thời con gái với lời thề son sắt “sẽ không bao giờ là một người mẹ giống mẹ mình”. Cho đến khi một ngày nào đó, con bạn lớn lên và nếu bạn ấy chịu nói ra, và nếu bạn thực sự lắng nghe, thì có thể, chính bạn lại chính là một phiên bản thế hệ mới của mẹ với những tiến bộ và thay đổi của thời đại, nhưng những vấn đề giữa bạn và con sẽ na ná, hoặc bằng cách nào đó, y hệt những vấn đề đã từng xảy ra và tồn tại giữa mẹ và chính bạn.

Những bài học tôi cần học trong mối quan hệ với mẹ mình, có thể sẽ giúp tôi tránh được những bài học lớn hơn mà tôi phải học trong mối quan hệ với con mình, có phải không???

Những bài phát biểu của Dr.Shefaly Tsabary*** tại các buổi nói chuyện về làm cha mẹ trở thành hiện tượng, làm chấn động những bậc phụ huynh khi bà khẳng khái khẳng định, con cái không có vấn đề, người có vấn đề chính là cha mẹ. Opral đã gọi những tuyên bố của bà mang tính cách mạng, đột phá với các bậc phụ huynh. Trong những cuốn sách của Dr. Cherie Carter-Scott, tiến sĩ có nói đến “những giọng nói nhỏ” trong tâm trí của mỗi chúng ta cần được lắng nghe và xác định, để chúng ta có thể thực sự sống với con người mà chúng ta muốn, hơn là con người mà thế giới xung quanh mong chúng ta trở thành. Dr.Shefaly Tsabary bước thêm một bước khi bà khẳng định, “những giọng nói nhỏ” của những đứa trẻ luôn bị phớt lờ bởi cha mẹ, cho đến khi đứa trẻ mất đi “tiếng nói” của mình, và bắt đầu tách xa rời khỏi chính con người chân thật của mình, và sống cho những hoài bão, ước mơ, mong muốn của cha mẹ. Đó là cách chúng ta được nuôi dạy, và đến khi chúng ta được quyền làm cha mẹ, chúng ta lại lặp lại nó một lần nữa cho phiên bản tiếp theo.

Mỉa mai là cả thế giới đang cuống cuồng đi tìm lại bản ngã của chính mình, đi tìm mục đích sống của cuộc đời mình bằng thiền, bằng tỉnh thức, bằng sống ở hiện tại…thì một thế hệ trẻ em mới vẫn đang vất vả đấu tranh để những “giọng nói nhỏ” của mình được người lớn lắng nghe.

Tôi có một khái niệm là “kết nối với chính mình”, và tôi lan rộng nó ra bằng khái niệm “bạn không thể kết nối với người khác, nếu bạn không thể kết nối với chính mình”. Trong cuốn sách “Những điều tôi biết chắc – What I Know For Sure” Oprah miêu trả quá trình lắng nghe chính mình để có sự trải nghiệm trọn vẹn sâu sắc việc “kết nối với chính mình”, bằng cách này hay cách khác. Đôi lúc đó là việc dám nói không với điều mình không muốn làm, dám thừa nhận những điểm yếu trong mình, đôi lúc đó là khi dạo chơi trong sân vườn với bạn chó…

Trẻ con, một cách tự nhiên, có những điều này, trong khi là người lớn, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều để học lại điều đó.

Vậy tại sao, chúng ta không để trẻ được lắng nghe và được nói lên tiếng nói của mình cho những điều bạn ấy muốn???

Khi tôi viết ra những câu hỏi trên, thật lòng tôi không dám thách thức bất kỳ một ai làm cha mẹ, chỉ là một lời tự nhắc chính mình, vì tôi cũng đang trên đường tự giáo dục chính mình, để có thể có những đứa trẻ được sống với những “inner truths” trong lòng chúng. Khi tôi nói “những đứa trẻ”, tôi gộp tôi vào luôn trong đấy .

Đặng Thị Lan Hương
25/06/2018

***Tác giả cuốn sách The Conscious Parent: Transforming Ourselves, Empowering Our Children”